
Từ những bước chân đầu tiên
17
giờ đồng hồ trên xe đò từ Đà Nẵng đến Viêng Chăn, chúng tôi đến bến xe
trung tâm của Viêng Chăn lúc 2 giờ sáng. Bến xe ở Lào rất lặng lẽ. Không
ồn ào, náo nhiệt như bất kỳ một bến xe nào ở Việt Nam. Khách thích đi
xe nào thì tùy chọn và chỉ cần đưa địa chỉ cần đến. Chúng tôi chọn tuk
tuk cho đúng với phong cách Lào. Trên xe Âu, Á lẫn lộn với mỗi người một
địa chỉ khách sạn khác nhau. Một giá không đổi 25.000 kíp (50.000 đồng)
cho mỗi vị khách. Tài xế và lơ xe tuk tuk luôn nhoẻn miệng cười thân
thiện, sẵn lòng chở khách lòng vòng Viêng Chăn suốt đêm cho đến khi vị
khách cuối cùng chọn được khách sạn vừa ý. Đường phố Viêng Chăn đêm
khuya vắng, long lanh ánh vàng bởi đèn và những nóc ngôi chùa. Đất nước
Triệu Voi quyến rũ ngay từ những bước chân đầu tiên.
Nhưng nếu không nhờ
đến công cụ hỗ trợ cẩm nang du lịch Lào thì khó có thể biết con phố,
tên đường ở thủ đô Viêng Chăn. Bởi con đường nào cũng mang một cái tên
dài “ngoằng”, họa hoằn lắm mới có biển ghi bằng tiếng Pháp phía bên
dưới. Như hai con đường giao nhau gần chợ “Morning Market” với cái tên
ấn tượng Saigonrue, Hanoirue. Ngay góc phố này, nhà nghỉ rất nhiều với
giá cả không thể mềm hơn: 8 -10 đô la cho một ngày đêm bao nhiêu khách
tùy thích. Và bạn có thể chọn cho mình những góc không gian rộng rãi
thoáng đãng để thư giãn ngay tại nhà khách chứ không bó hẹp trong một
gian phòng.
Cuộc sống ở Viêng Chăn khá
bình lặng. Đường phố rộng thênh thang với ba làn đường mà không hề có
một tiếng còi xe nào. Việc di chuyển trên đường phố Lào thư thái như tản
bộ vậy. Nhẹ nhàng, trật tự và rất bình yên. Viêng Chăn bé như bàn tay
nên xe đạp là phương tiện vừa rẻ vừa dễ dàng, gọn nhẹ. Thêm nữa để tìm
một chiếc tuk tuk (như một dạng taxi) không phải bạn gọi lúc nào cũng
có. Thủ đô Viêng Chăn chỉ có 5 con đường lớn: là Lan - Xạng,
Cây-xỏn-phôm-vi-hản, Xu-va-nu-vông, Sệt-thả-thi-rát và đường
Sam-xẻn-thay. Tất cả các con đường này đều dẫn đến những địa điểm được
coi là “tinh hoa” Lào: Pat-tu-xay (Cổng chiến thắng), Pha-that-luang
(Biểu tượng quốc gia không chính thức), Tháp Đam gần Đại sứ quán Mỹ…
Chưa kể những “biệt thự Đông Dương” thâm trầm bí ẩn sau bức tường toàn
màu trắng dưới những tàng cổ thụ rậm lá. Con đường dọc theo bờ Mê Kông
lộng gió là sức hấp dẫn mỗi khi chiều về. Con đường này thật dài rụng
đầy lá vàng mà vô cùng sạch sẽ. Trải dọc theo đó là vô số những món ăn
của Lào mà khi nhìn không thể nào không thưởng thức
Đến những tinh hoa của Lào
Ở
Viêng Chăn, cứ ra ngõ là gặp người bán xôi. Người ta nói rằng có đến
90% người Lào ăn xôi. Xôi được gói trong nắm lá xanh, hoặc trắng dẻo gần
như xôi nếp của người Việt hoặc được trộn thêm cùng thịt hoặc cá chưng
lên và nóng hổi. Xôi Lào có vị thơm đặc biệt, ăn không ngấy, dẻo nhưng
nắm không dính… Người Lào bảo rằng đó là thứ nếp được trồng trên những
nương rẫy cao ngút của rừng núi Lào.
![]() |
Một góc Viêng Chăn tĩnh lặng. |
Nhưng chúng tôi tìm đến
phố Na-xay, nơi có nhiều quán ăn của người Việt để tìm món ăn quen
thuộc. Theo cách chỉ của nhiều người miền Trung sống ở đây, quán của bà
Lượng có món… mì Quảng! Anh Dũng, một người Quảng làm ăn trên đất Lào ở
ngay phố Na-xay nói: “Vị khác với mì Quảng ở nhà nhưng ăn cũng đỡ nhớ
lắm. Sợi mì nhỏ hơn, cũng thịt xá xíu như mì Phú Chiêm vậy nhưng lại pha
thêm chút hương vị Lào, nhiều mì chính và dĩ nhiên không mặn mòi như tô
mì Quảng chính hiệu Quảng Nam”. Bà Nguyễn Thị Lượng trạc ngũ tuần. Bà
là người Hòa Vang sinh sống trên đất Lào đã mấy chục năm nay. Quán của
bà không để bảng hiệu, và chỉ những người miền Trung sinh sống ở đây mới
biết quán của bà bán mì Quảng. Sợi mì nhuộm vàng với đủ thứ vị: sườn,
thịt, trứng…, chỉ thiếu ớt xanh. Nhưng như thế cũng đủ để người miền
Trung nhớ nhà vào mỗi buổi điểm tâm trên đất Lào.
Buổi
chiều, dưới những tán cổ thụ rộng lớn là hàng quán gần giống như gánh
hàng rong của người Việt dọc theo con đường bờ Mê Kông. Ở Lào, mọi thứ
ăn đều được nướng. Xôi nướng, chuối nướng, khoai lang, khoai môn nướng
và bí đỏ cũng được đem nướng. Nhưng phải kể đến món “lạp” đặc trưng của
người Lào. lạp có nghĩa là “lộc”, là may mắn, được coi là “linh hồn”
trong các lễ hội của người Lào. Lạp thường dùng trong đãi tiệc hoặc
trong các dịp đặc biệt. Từ xa xưa, lạp đã là món ăn phổ biến ở Lào và
được bán khắp nơi. Món ăn này được chế biến từ các loại thịt: trâu, bò,
cá, heo, gà… băm nhuyễn, trộn với rau bạc hà xắt nhỏ và nước cốt chanh,
ăn vào có mùi thơm béo khó quên.
Cũng
gọi là những “quán nhậu” vì cũng có chòi, có tranh theo từng lô đất dọc
bờ Mê Kông nhưng các quán này cũng “lặng lẽ” lạ. Đến chỉ để thưởng thức
một chai bia Lào vừa to vừa cao. Phong cách uống bia của người Lào
khiến cho du khách phải ngưỡng mộ. Chỉ uống duy nhất loại bia Lào và
điều đó khiến cho người ta đến Lào cũng chỉ uống mỗi bia Lào! Người Lào
ít “nhậu”. Và đến Lào cũng chỉ thưởng thức bia Lào theo phong cách “nhấm
nháp” vậy! Bia Lào được sản xuất từ thời Pháp thuộc, có vị rất đậm đà,
uống vào tới đâu, biết tới đó. Bia Lào từng được tạp chí Asia Magazine
bình chọn là loại bia ngon nhất châu Á.
Ăn
xôi, thưởng lạp, tìm mì Quảng và gọi thêm vài chai bia Lào, đó mới chỉ
là một vài trong số rất nhiều cách thưởng thức ẩm thực trên đất Lào.
Thêm vào đó là điệu “lăm-vông” uyển chuyển của cô gái Lào, bạn sẽ cảm
nhận chuyến đi của mình cực kỳ thú vị khi lang thang trên những nẻo
đường ở Viêng Chăn.
(Theo ANH TRÂM // Đà Nẵng Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chào bạn, nếu có bất cứ ý kiến nào hãy để lại nhận xét. Xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu...