39 năm rồi nhưng cái khoảnh khắc mà người lính Mỹ Homer
Steedy nhìn thấy người lính Việt cộng cầm lưỡi lê lao thẳng vào mình
vẫn không bao giờ có thể xóa nhòa được. Là một chiến binh, anh ta phản
ứng rất nhanh và bóp cò súng. Đạn đi nhanh hơn lưỡi lê. Người lính Việt
cộng chết ngay trước mặt anh ta. Lần đầu tiên anh ta giết người. Một
người lính còn quá trẻ. Cái chết đeo đẳng người lính Mỹ suốt phần đời
còn lại...
Homer giữ lấy những di vật của người lính đối phương đã
chết, gửi về nước nhờ mẹ giữ hộ, với mong ước một ngày nào đó có thể
trả nó về cho thân nhân của người lính Việt cộng. Những di vật của một
người lính Việt cộng thời ấy chỉ giản dị có hai quyển sổ: một quyển ghi
những bài học giải phẫu cơ thể, sơ cứu vết thương; một quyển ghi "Những
dòng lưu niệm" với tên tuổi, quê quán những người bạn thân và chi chít
những công thức toán học cấp III. Ngoài ra còn vài lá thư, ba tờ giấy
khen.
Hết thời hạn quân dịch ở VN, Homer về nước, lại là một
nông dân làm việc trong trang trại của gia đình ở Carolina. Một cựu binh
mắc hội chứng VN khó mà có một cuộc sống khá giả. Không thể đủ tiền cho
một chuyến quay lại VN, anh đành ôm nỗi day dứt của mình suốt gần 40
năm, cho đến một ngày...
Suốt gần 40 năm ấy, gia đình người lính Hoàng Ngọc Đảm ở
xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình mang nặng một nỗi khổ
tâm, đau đớn vì con-em-anh trai họ đã hi sinh ở chiến trường nhưng lại
"nghe đồn" đã chiêu hồi và đang sống giàu sang sung sướng trên đất Mỹ.
Có tin đồn ấy vì xác anh Đảm không tìm thấy, cả những gì thuộc về tư
trang hành lý mang theo người cũng không. Nỗi đau mất người thân phải
chịu cùng lúc với nỗi oan khó gột rửa thật là một gánh nặng ghê gớm.
Ở hai bên bờ Thái Bình dương, trong hai làng quê khác
nhau của VN và Mỹ, cùng có những con người chịu đau đớn giằng xé gần 40
năm vì một linh hồn Việt cộng chưa được yên nghỉ.
Bộ phim ngắn của đạo diễn Minh Chuyên gây xúc động lớn vì đã lột tả được nỗi đau, sự day dứt ấy.