Bất chấp luật pháp Quốc tế, phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam và thế giới, một tháng qua, Trung Quốc vẫn hạ đặt và duy trì trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam với lực lượng quân sự bảo vệ hùng hậu chưa từng có trong 30 năm qua.
Trung Quốc gây hấn
5h22 sáng 1/5, Trung Quốc bất ngờ di chuyển Hải Dương 981 từ đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa) tiến sâu vào thềm lục địa Việt Nam. Đây là một trong 10 giàn khoan nổi lớn nhất thế giới, với diện tích tương đương sân bóng tiêu chuẩn, có khả năng khoan, khai thác dầu ở độ sâu 12.000m, do Trung Quốc xây dựng với tổng giá trị 1 tỷ USD.
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nằm sâu trong vùng 200 hải lý thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; vi phạm Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982; trực tiếp đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.
Hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong quan hệ Việt-Trung hơn 20 năm qua.
Diễn biến thực địa
Việt Nam đã huy động lực lượng chấp pháp gồm cảnh sát biển và kiểm ngư áp sát Hải Dương 981, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vị trí thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đáp lại, Trung Quốc liên tục gia tăng các loại tàu bảo vệ giàn khoan đồng thời mở rộng vùng cấm hoạt động tại khu vực này từ 3 lên 10 hải lý.
Ngày 17/5, Trung Quốc huy động khoảng 140 tàu các loại tới khu vực giàn khoan, gồm 7 chiến hạm hạng nặng như: tàu tên lửa tấn công, tàu săn ngầm và tàu tuần tiễu tấn công nhanh cùng một số máy bay tiêm kích.
Trước hành động gây hấn, Việt Nam vẫn kiên trì các biện pháp hòa bình. Tàu cảnh sát biển, kiểm ngư kiên cường áp sát khu vực giàn khoan yêu cầu Trung Quốc rút khỏi thềm lục địa và đặc quyền kinh tế.
Đáp lại, các tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng tấn công, liên tục chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam. Hàng loạt tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam bị hư hại, một số kiểm ngư viên bị thương.
Nghiêm trọng hơn, ngày 26/5, tàu quân sự Trung Quốc đã lao thẳng vào một
tàu cá của Việt Nam tại ngư trường truyền thống ở khu vực tây nam giàn
khoan Hải Dương 981. Con tàu bị lật úp, 10 ngư dân trên tàu rơi xuống
biển.
Hành động của Việt Nam
Trước sự xâm phạm trắng trợn, hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam đã 20 lần sử dụng các kênh ngoại giao giao thiệp với Trung Quốc yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan và lực lượng ra khỏi vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam; liên tục tổ chức họp báo quốc tế để thông tin và đưa ra các bằng chứng về hành động của Trung Quốc.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc Hội, Thủ tướng đều công khai thể hiện quan điểm nhất quán: kiên quyết phản đối Trung Quốc; tìm mọi biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng; tôn trọng quan hệ Việt- Trung cũng như lợi ích lâu dài của 2 dân tộc.
Tại các diễn đàn quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh mẽ lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng vì hòa bình, ổn định khu vực. Người đứng đầu Chính phủ cũng thể hiện quan điểm dứt khoát: “Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”
Hàng nghìn người dân đã biểu tình, tuần hành phản đối Trung Quốc, ủng hộ Chính phủ đấu tranh bảo vệ chủ quyền với quy mô rộng khắp các địa phương. Kiều bào, du học sinh Việt Nam ở nhiều nước cũng xuống đường thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu nước.
Đáng tiếc, ở Bình Dương, Hà Tĩnh, một số thành phần quá khích lợi dụng tinh thần yêu nước, phản đối Trung Quốc đã gây ra các vụ đập phá gây thiệt hại cho một số cơ sở của doanh nghiệp nước ngoài. Chính quyền đã cam kết khắc phục, bồi thường thiệt hại đồng thời khởi tố, xét xử những kẻ gây rối.
Bất chấp việc Trung Quốc lợi dụng sự cố này để đưa người về nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã nỗ lực ổn định sản xuất, cam kết tiếp tục đầu tư tại Việt Nam.
Phản ứng của thế giới
Mỹ là quốc gia đầu tiên và liên tục bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình Biển Đông ở nhiều cấp. Tổng thống Barack Obama hôm 28/5 cảnh báo rằng, sự gây hấn mang tính khu vực như đã xảy ra ở Biển Đông hay bất kỳ khu vực nào trên thế giới có thể khiến quân đội Mỹ phải vào cuộc. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cũng chỉ trích những hành động đơn phương gây bất ổn của Trung Quốc và tuyên bố Mỹ sẽ không ở thế bị động nếu trật tự thế giới bị đe dọa.
Lần đầu tiên sau gần 20 năm, ASEAN cũng ra tuyên bố riêng về Biển Đông. Các ngoại trưởng bày tỏ lo ngại sâu sắc về những vụ việc do Trung Quốc gây ra có thể đe dọa hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải; kêu gọi các bên không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Nhật Bản, Singapore, Philippines, Indonesia cũng phản ứng trước hành động của Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
Mưu đồ của Trung Quốc và ứng phó của Việt Nam
Tăng cường lực lượng quân sự ở khu vực giàn khoan để uy hiếp, các quan chức Trung Quốc vừa vu cáo Việt Nam vừa đổ lỗi cho Mỹ, Nhật làm căng thẳng tình hình.
Trung Quốc đang thực hiện bước đi chiến lược: Biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp; hiện thực hóa đường lưỡi bò lấy trọn Biển Đông.
Nhằm ngăn chặn các mưu đồ của Trung Quốc, ngày 28/5, Việt Nam đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực.
Đồng thời Chính phủ Việt Nam phát đi thông điệp, Việt Nam đã tính đến phương án đấu tranh pháp lý: khởi kiện Trung Quốc.
(Nguồn: vnexpress.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chào bạn, nếu có bất cứ ý kiến nào hãy để lại nhận xét. Xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu...