Alexey Pajitnov, tác giả Tetris (trò chơi Xếp gạch) - Ảnh: Internet |
Tetris còn phổ biến hơn cả game hái nấm Mario của Hãng Nintendo (Nhật Bản) phát hành sau Tetris một năm mà cho tới nay vẫn còn được chơi khắp hành tinh.
Tetris là trò chơi dạng xếp hình khéo léo (puzzle game) do Alexey Pajitnov phát triển và tung ra ngày 6-6-1984 khi đang làm việc tại Trung tâm máy tính Dorodnicyn của Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô ở Matxcơva.
Cái tên Tetris được anh ghép từ chữ "tetra" (một tiếp đầu ngữ chỉ số 4 trong tiếng Hi Lạp) và "tennis" (quần vợt). "Tetra" vì tất cả các mảnh ghép trong game đều gồm 4 đoạn, và "tennis" vì đây là môn thể thao yêu thích của tác giả.
Tetris cũng là phần mềm giải trí đầu tiên của Liên Xô được xuất khẩu sang Mỹ cho các máy tính Commodore 64 và IBM PC.
Trong số đặc biệt kỷ niệm kỳ xuất bản thứ 100, tạp chí hằng tháng Electronic Gaming Monthly đã xếp Tetris vào vị trí số 1 trong bảng danh sách "Game vĩ đại nhất của mọi thời đại".
Năm 2007, trang web IGN đã xếp Tetris vào số 2 trong danh sách "100 trò chơi điện tử vĩ đại nhất mọi thời đại".
Vào tháng 1-2010, Tetris công bố đã bán được hơn 170 triệu bản (bao gồm khoảng 70 triệu bản tại các cửa hàng và hơn 100 triệu bản được tải về cho điện thoại di động), trở thành trò chơi được download có trả tiền lớn nhất mọi thời đại.
Còn theo số liệu mà Yahoo! Games đưa ra hôm 7-6-2014, Tetris đã bán được hơn 140 triệu bản bán lẻ, bỏ xa bất cứ một trò chơi điện tử nào.
Nhân dịp sinh nhật 30 tuổi đứa con tinh thần của mình, nhà lập trình Pajitnov kể rằng: "Tôi đã cảm nhận nó là một game gây nghiện ngay từ khi những bản nguyên thủy đầu tiên rời khỏi máy tính của tôi. Tôi đã không thể ngừng chơi nó và sau đó tôi nhìn thấy bạn bè của mình cũng không thể ngừng chơi nó".
Ngườii hâm mộ Tetris thể hiện tình yêu đối với trò chơi này - Ảnh: Internet |
Tetris do Pajitnov viết nhưng là tài sản của Chính phủ Liên Xô. Nó nguyên là một chương trình phần mềm ứng dụng giúp thể hiện khả năng và sức mạnh của dòng máy tính Elektronika 60 của Nga thời đó.
Do máy tính này không có khả năng hiển thị đồ họa, các text được dùng dưới dạng các khối (block). Đó là lý do Tetris dùng các hình khối để chơi.
Sau khi Tetris ra đời, các phiên bản "nhân bản" của nó nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu dẫn tới một cuộc chiến bản quyền đầy ám ảnh giữa nhà chức trách Nga và một số nhà xuất bản game ở châu Âu.
Công lao hàng đầu để đưa Tetris trở thành một công cụ sinh lợi nhuận khổng lồ thuộc về Henk Rogers, một nhà thiết kế và kinh doanh trò chơi điện tử Hà Lan năm nay 61 tuổi. Là chủ Công ty phần mềm Bullet-Proof, ông có trách nhiệm đưa các game "hot" từ khắp thế giới sang Nhật Bản - vương quốc trò chơi điện tử.
Do mê Tetris, ông đã làm mọi cách để giành được bản quyền phương Tây của trò chơi này cho máy tính và máy chơi game Nintendo. Ông đã nhìn thấy được tiềm năng thật sự của Tetris trong hệ thống Game Boy (loại máy chơi game cầm tay nhỏ gọn) lúc đó sắp ra đời.
Tetris ngày nay còn có mặt trên mạng xã hội - Ảnh: Internet |
"Tôi đã không tin rằng mình có thể nói chuyện được với bất cứ người Xô viết nào và họ cũng chẳng nghĩ tới chuyện nói chuyện với tôi. Tôi cầm chắc không thể tiến hành bất cứ chuyện làm ăn nào. Vì thế, khi tôi gõ cửa (cơ quan đó), đó là một sự ngạc nhiên lớn đối với họ".
Cuộc gặp đó có 9 người tham dự, trong đó tất nhiên có tác giả Pajitnov, và có một số người mà Rogers cho là mật vụ KGB. Rogers mô tả mình đã bị những người Xô viết "nướng" suốt 2 tiếng đồng hồ.
Phần mình, tác giả Pajitnov nhớ lại: "Hầu như mỗi tuần đều có ai đó tìm tới gõ cửa chúng tôi và đề nghị có được bản quyền Tetris. Nhưng khi Henk tới, tôi nhận ra rằng anh ấy là một nhà phát triển game và đúng là người của Tetris. Ngay tối đó, anh ấy tìm tới nhà tôi và tôi đã cho anh ấy xem các game khác của mình. Thật là lý thú".
Nhưng giành được bản quyền từ Nga là một chuyện, chuyện vận động Hãng Nintendo chịu đưa Tetris vào máy chơi game mới Game Boy lại là một câu chuyện không kém gian nan khác.
Theo kế hoạch ban đầu, Nintendo sẽ đưa trò chơi ăn khách Mario vào máy chơi game cầm tay mới của mình như một phương cách bảo đảm thu hút người chơi. Rogers đã tranh cãi gay gắt với Minoru Arakawa, nhà sáng lập và hồi đó là tổng giám đốc Nintendo Mỹ, về chuyện đưa Tetris vào nền tảng game mới.
Ông nhớ lại: "Tôi đã nói với ông ấy: Nếu anh muốn những cậu bé con chơi Game Boy thì cứ đưa Mario vào. Còn nếu anh muốn mọi người chơi Game Boy thì nên đưa Tetris vào". Cuối cùng, Rogers đã thuyết phục được.
Tetris trên máy Game Boy |
Bây giờ, "người hùng Tetris" Rogers đang là giám đốc điều hành của The Tetris Company.
Trò chơi Tetris dễ làm người ta ghiền, hễ nhấn nút Start (Bắt đầu) rồi thì khó lòng ngưng lại. Nhưng đây là một trò chơi nhanh tay, lanh mắt và sáng trí. Nó giúp luyện các ngón tay cử động nhuần nhuyễn, đôi mắt quan sát tốt và óc phán đoán nhanh lẹ.
Càng vào những cấp độ cao, người chơi càng phải rèn cho mình tính bình tĩnh mà phán đoán và hành động. Nó đã làm phát sinh một hội chứng được gọi là "hiệu ứng Tetris" (Tetris effect).
Hồi tháng 2-2014, Đại học Plymouth (Anh) phát hiện người chơi Tetris chỉ trong 3 phút có thể giúp giảm sự thèm ăn uống, rượu và thuốc lá. Năm 2013, các bác sĩ tại Viện Nghiên cứu thuộc Trung tâm Y khoa Đại học McGill (Canada) phát hiện Tetris có hiệu quả trong việc điều trị chứng giảm sức nhìn (amblyopia) của người lớn, mà tên nôm na là "mắt lười".
Tất nhiên, chẳng có cái gì trong cuộc sống lại không lợi bất cập hại khi bị lạm dụng, huống chi đó là trò chơi - thứ vốn được phát triển để làm con người sảng khoái. Bây giờ, tôi ngừng ở đây để chơi tiếp màn Tetris đang dở dang đây!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(tuoitre.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chào bạn, nếu có bất cứ ý kiến nào hãy để lại nhận xét. Xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu...